Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Huế 2011

Huế là quê nội của ba Sunny...là gốc thôi bởi ba S sinh ra và lớn lên ở "cao nguyên"

Người lớn kể lại ...gia đình bên Nội của ba S cũng thuộc dòng dõi hoàng tộc...ông bà Nội của ba Sunny không còn, nhưng em gái của bà Nội thì vẫn còn sống. Mình thì không biết nhiều về lịch sử dòng họ vì hình như người lớn ít ai nhắc lại, chỉ nghe loáng thoáng. Lần về Huế này, mẹ con Sunny được về làng thăm Mệ...ai cũng gọi là Mệ, chỉ có mẹ con Sunny là gọi bà thôi (người Nam mà). Bà còn khỏe, rất minh mẫn nhé. Hỏi bà năm nay bao nhiêu tuổi, bà bảo "còn 1 năm là bà được 90"...bà ôm Sunny vào lòng (xem chừng muốn bồng Sunny luôn làm mẹ S lo, vì thấy bà già yếu) là luôn miệng bảo "cháu cố của bà đây, giờ mới về thăm bà nè"...Rồi bà ôm ba S, bác của Sunny, ôm cả mẹ nữa, bà nói..."cho bà ôm tí, hổng biết còn gạp lại các cháu không..."

Bà vẫn đang may gối, bà đang may cặp gối cho khách ngoài Hội An, một cặp gối cung đình có giá 2 trieu...bà may mất 2 tháng! Việc may gối với bà là niềm vui chứ không vì mưu sinh...cảnh sống của bà cũng khá đạm bạc, bà ăn chay và đi chùa mỗi ngày...Bà sống cùng con trai, con dâu và các cháu...chẳng phải bà nghèo đâu, bà thích sống vậy...chứ O Lành (con gái bà) rất khá giả, hằng ngày O vẫn ngược xuôi cho công việc từ thiện ở Huế.

Tiếc là mẹ Sunny không chụp được hình ở nhà bà...người nhà ngoài đó kiêng cữ dữ lắm, nguyên một ngày đi lăng còn ko cho chụp hình nữa là...nên lúc về làng thăm bà, hổng dám chụp hình luôn...!

Đây là bài báo viết về bà: đăng báo ngày 12.5.2011

Người phụ nữ may gối cho vua Bảo Đại
Vốn là dòng dõi hoàng tộc nhưng do những cuộc binh biến, bà Công Tôn Nữ Trí Huệ, chắt nội của vua Minh Mạng, lại có cơ duyên với nghề may gối dựa cho vua Bảo Đại.

Trong căn nhà nhỏ ở làng Hương Cần, xã Hương Toàn (Hương Trà, Thừa Thiên - Huế), bà Trí Huệ năm nay đã 90 tuổi, nhưng vẫn rất minh mẫn khi kể về cuộc đời mình cũng như những công thức may gối trái dựa cung đình.

Bà Huệ kể, bác ruột của bà là ông Hường Hoằng, hầu cận vua Thành Thái, bị mật thám Pháp phát hiện có bàn chuyện cơ mật với vua và lĩnh án tử hình. Trong cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916, cha đẻ của bà giúp vua Duy Tân xây dựng binh quyền để chống Pháp. Cuộc khởi nghĩa không thành, ông bị bắt giam cùng với vua, nhưng may mắn thoát khỏi tội chết, về quê mở tiệm thuốc Bắc.

"Lúc nhỏ tôi học nghề bốc thuốc của ba, khi lớn lên, là con cháu của hoàng tộc, tôi được cho phép vào trong Đại nội học may vá thêu thùa như các Công Tôn Nữ khác”, bà Trí Huệ kể về cơ duyên đến với nghề may gối.


Ngày ngày bà vẫn tự tay may quần áo với niềm trăn trở sẽ có người nối nghiệp để bà truyền lại nghề may gối trái dựa. Ảnh: Văn Nguyễn.

Năm 17 tuổi, bà Trí Huệ vào cung làm nghề may gối trái dựa (gối có nhiều nếp, có thể gập lại mở ra tuỳ ý để gối đầu, dựa lưng, hoặc tì cánh tay) và đảm trách luôn việc may áo cho Đức Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại. Bà cho biết việc may gối dựa đều làm theo mẫu có sẵn và tuân thủ quy tắc may gối cho vua phải đủ 5 lá, gối của Hoàng Thái Hậu và các quan phải đủ 4 lá.

"Nhưng người may phải có mẹo để gối luôn thẳng mép, không lỗi chỉ, nhồi bông cho thật khéo để gối luôn giữ được độ êm, căng phồng đều sau nhiều lần giặt. Để hoàn thành một chiếc gối dựa, người thợ lành nghề, chăm chỉ cũng phải mất ít nhất 5 ngày công", bà Huệ cho biết.

Gối trái dựa của vua được thêu rồng, gối dựa của Hoàng Thái Hậu được thêu phụng, gối của các quan thường để trơn. Để đảm bảo tính thẩm mỹ của chiếc gối, công đoạn may do người chuyên may gối đảm nhận còn việc thêu sẽ có những thợ thêu chuyên nghiệp làm.

“Chọn màu vải khi may gối trái dựa cũng hết sức quan trọng. Thường thì gối của vua và Hoàng Thái Hậu có màu vàng, tượng trưng cho uy quyền, còn gối của các quan là màu xanh, tím tùy theo màu của ghế đặt gối”, bà Huệ kể.




Năm 2000, bà Trí Huệ cùng con trai Bùi Quang Thiện đã dâng tặng đại tướng Võ Nguyên Giáp chiếc gối trái dựa do chính tay bà làm. Bà được chụp ảnh lưu niệm với đại tướng. Ảnh: Văn Nguyễn.

May gối cho vua Bảo Đại, bà Trí Huệ bảo phải rất chú ý đến kích thước của ghế và lượng bông nhồi gối sao cho phù hợp với thân hình của hoàng đế. Nếu may gối theo mẫu cũ dành cho các ông vua trước thì không ổn vì vua Bảo Đại cao to hơn nhiều. “Nhờ đó mà vua Bảo Đại rất vừa lòng. Vua còn sai may gối trái để có thể đặt trên ôtô mang theo mỗi khi vua lên Đà Lạt đi săn”, bà Trí Huệ nhớ lại.

Cũng chính sự bắt mắt và tác dụng của chiếc gối trái dựa trong cung Nguyễn mà nhiều bạn người Pháp của vua Bảo Đại đã đặt bà Trí Huệ may để mang về làm quà cho người thân.

Ngoài việc may gối cho vua, bà Trí Huệ còn đảm nhận việc may áo cho bà Từ Cung. “Áo luôn phải phẳng khi mặc, phải may bó sát người, vừa gọn gàng, vừa kín đáo”, bà Trí Huệ tiết lộ bí quyết may áo cho Đoan Huy Hoàng Thái Hậu.

http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/05/nguoi-phu-nu-may-goi-cho-vua-bao-dai-1/

@ chị Wi: Chị hỏi làm em giật mình và mắc cỡ quá...!

3 nhận xét:

  1. Ra thăm mệ rồi có học được bí quyết gì của mệ không em?

    Trả lờiXóa
  2. Phục Mệ quá luôn. Mà hông biết Mệ đã tìm ra người để truyền lại bí quyết may vá của Mệ chưa ha ?? Cho chị gửi lời thăm Mệ và mọi ng` luôn nha em!

    Trả lờiXóa
  3. Bà lớn tuổi vậy mà vẫn ngồi may vá được, nể thiệt á.

    ừa, người ngoài đó kiêng cử dữ lắm. Con nít cũng không cho chụp hình nhiều nói gì là chụp mấy chỗ linh thiêng đó. Làm Suny hổng có hình cho mấy cô dì coi gì hết, cũng tiếc tiếc mẹ Suny hen. Thôi dịp khác vậy.

    Trả lờiXóa